Một cuộc phỏng vấn xin việc thành công dựa vào rất nhiều yếu tố không chỉ về mặt hình thức mà còn về nội dung. Cơ hội để bạn mặt đối mặt với nhà tuyển dụng đã đến, và đây là lúc để bạn thể hiện những gì tốt nhất của mình ra để họ thấy rằng bạn hoàn toàn phù hợp với vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, không phải chỉ cần giỏi là bạn có thể phỏng vấn thành công và có được công việc mơ ước. Vậy kinh nghiệm khi đi phỏng vấn hoàn hảo cho bạn là gì?
- Chủ động nghiên cứu về công ty và vị trí ứng tuyển
Để nhà tuyển dụng biết rằng bạn thật sự trân trọng vị trí đang ứng tuyển cũng như mong muốn được làm việc tại công ty, bạn cần phải tìm hiểu trước những thông tin cơ bản về công ty như lịch sử hình thành, tầm nhìn sứ mệnh hay văn hóa công ty… Một ứng viên bị mất điểm nặng và rất có thể bị “out” khỏi danh sách tiềm năng là khi họ đi phỏng vấn mà không biết gì về công ty đang ứng tuyển, thậm chí một số người còn không nhớ tên công ty, điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng của ứng viên đối với công ty cùng thái độ chuẩn bị hời hợt gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng.
- Hãy chú ý tới trang phục
Trang phục phỏng vấn là một trong những yếu tố quyết định buổi phỏng vấn có hoàn toàn thành công hay không. Thường thì áo sơ mi kết hợp với quần tây hay chân váy bút chì sẽ là sự lựa chọn an toàn nhất khi đi phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn có thể chọn những kiểu trang phục khác thể hiện được cá tính riêng của mình miễn là đảm bảo được yếu tố lịch sự, chuyên nghiệp. Ví dụ nếu bạn đi phỏng vấn cho một công ty về thời trang – nơi cần sự sáng tạo, gu thẩm mỹ và khả năng bắt kịp xu hướng thì một bộ đồ quá formal lại không phải lựa chọn thông minh cho bạn đâu.
Hãy đảm bảo rằng trang phục đi phỏng vấn của bạn sạch sẽ, gọn gàng. Dành 5 – 10 phút ủi áo sơ mi cho thẳng, chải tóc cho gọn gàng, xịt thêm một chút nước hoa tạo ấn tương nhưng nhớ đừng lạm dụng nhé. Nhà tuyển dụng có thiện cảm với bạn hay không rất có thể là dựa vào ấn tượng ban đầu khi nhìn vào bộ trang phục của bạn đó. Vì nếu đổi lại bạn là nhà tuyển dụng, bạn cũng sẽ không muốn tuyển một người xuề xòa, luộm thuộm vào công ty làm việc đúng không?
- Chuẩn bị trước và luyện tập trả lời một số câu hỏi thường gặp
Mọi cuộc phỏng vấn đều bắt đầu bằng những câu hỏi giới thiệu về bản thân và kinh nghiệm làm việc lúc trước. Hãy luyện tập trước nhưng cố gắng đừng học thuộc vì nếu thế khi bạn trả lời nghe sẽ rất cứng nhắc. Hãy cho nhà tuyển dụng những thông tin mới, những cái không được ghi trong CV của bạn để họ biết thêm những điều thú vị về bạn. Màn khởi đầu này cũng là một yếu tố quyết định buổi phỏng vấn sẽ diễn ra thật hào hứng hay vô cùng nhạt nhẽo đó nhé.
Sau khi nắm bắt những thông tin cơ bản về bạn cũng như những kinh nghiệm, kĩ năng chuyên môn mà bạn có, nhà tuyển dụng sẽ bắt đầu chuyển sang những câu hỏi kĩ năng mềm. Nếu bạn có gặp phải những câu hỏi hóc búa thì cũng đừng sợ hay mất bình tĩnh, hãy trả lời thật theo những gì bạn suy nghĩ. Ví dụ như công ty hỏi về điểm yếu của bạn, đừng nói rằng bạn không có điểm yếu nào cả, hãy nêu ra một điểm yếu của bạn và khéo léo biến điều đó thành điểm tốt. Có thể bạn là người thiếu kiên nhẫn nhưng vì bạn muốn hoàn thành công việc đúng giờ và không muốn ảnh hưởng tới thời gian của bất kì ai, vậy là nhược điểm biến thành ưu điểm rồi đúng không?
Trước khi tới ngày phỏng vấn, hãy chăm chỉ luyện tập tại nhà để cho não bộ của bạn hình thành một loại phản xạ khi có câu hỏi bất ngờ. Hãy nhờ người thân hay bạn bè luyện tập cùng, họ sẽ giúp bạn chỉnh sửa câu từ sao cho phù hợp, thái độ thế nào thì nhìn có thiện cảm hơn. Hãy nhớ tự rút kinh nghiệm cho bản thân, điều chỉnh câu trả lời sao cho ngắn gọn, súc tích nhất, tránh nói lòng vòng, khó hiểu.
- Hãy chú ý đến những tiểu tiết
Đôi khi, một buổi phỏng vấn bắt đầu ngay từ khi bạn bước chân vào công ty, chứ không phải là lúc bạn ngồi trước mặt nhà tuyển dụng. Vì thế, trong khi ngồi chờ, hãy quan sát xung quanh nhiều nhất có thể để biết được cách mọi người làm việc, văn hóa công ty ra sao, công ty có phong cách đặc trưng gì hay không hoặc luyện tập trả lời để tăng phản xạ cho não thay vì ngồi lướt facebook hay xem điện thoại.
Nụ cười luôn luôn là thứ trang sức đẹp nhất mà bạn có thể khoác lên mình dù ở bất cứ đâu. Một nụ cười không chỉ tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng mà còn giúp bạn tự tin và bình tĩnh hơn trong cuộc phỏng vấn.
Trong suốt buổi phỏng vấn, bạn cũng đừng chỉ ngồi im và chờ trả lời câu hỏi. Thỉnh thoảng, hãy chủ động đưa ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng để họ biết bạn thực sự quan tâm tới vị trí này. Kết hợp với những ngôn ngữ cơ thể khi nói sẽ giúp cho cuộc nói chuyện trở nên sinh động và bớt căng thẳng hơn.
- Những điều cần tránh khi đi phỏng vấn
Một người có kinh nghiệm khi đi phỏng vấn sẽ tuyệt đối không đến muộn. Hãy cho họ thấy rằng bạn là người biết quý trọng thời gian của bản thân và người khác.
Tránh nói xấu công ty hay đồng nghiệp cũ khi phỏng vấn ở chỗ mới. Nếu bạn được hỏi lí do xin nghỉ ở công ty cũ, hãy trả lời theo hướng tích cực rằng bạn muốn thử sức mình ở một lĩnh vực mới hay bạn rất có hứng thú với vị trí ứng tuyển nhưng chưa có cơ hội.
Không đùa cợt hay kể lể quá nhiều trong khi phỏng vấn, hãy nhớ rằng bạn tới đây để xin việc, hãy tập trung vào vấn đề chính.
- Hãy gửi lời cảm ơn khi buổi phỏng vấn kết thúc
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, dù buổi phỏng vấn đó có kết thúc ra sao, bạn có thể hiện tốt hay không thì cũng đừng quên gửi mail cảm ơn tới nhà tuyển dụng trong vòng 24 giờ sau khi buổi phỏng vấn kết thúc. Hãy cảm ơn họ vì đã dành thời gian cho bạn cơ hội để được phỏng vấn. Nếu lỡ bạn không được nhận, họ cũng sẽ lưu ý hồ sơ của bạn sau này khi có vị trí phù hợp hơn vì họ biết bạn có thái độ làm việc chuyên nghiệp và chân thành.
Mong rằng bài viết này đã phần nào giúp bạn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm khi đi phỏng vấn. Chúc bạn thành công trong những buổi phỏng vấn sắp tới!